9 Lý Do Khiến Ảnh Chụp Bị Mờ (0)
9 Lý Do Khiến Ảnh Chụp Bị Mờ
9 Lý Do Khiến Ảnh Chụp Bị Mờ
Muốn chụp được tấm ảnh đẹp thì trước hết bạn cần biết cách chụp một tấm ảnh cho thật rõ đã. Điều then chốt để chụp được tấm ảnh rõ, sắc nét là biết được tất cả những lý do đã khiến cho tấm ảnh bị mờ (blurry). Một khi đã tránh được những lỗi khiến tấm ảnh bị mờ thì việc chụp được một tấm ảnh sắc nét xem như đã nằm trong tay của bạn rồi.
1. Lấy nét ở hậu cảnh thay vì chủ thể.
Lấy nét ở hậu cảnh rất thường xảy ra khi bạn lấy nét tự động (auto focus) và nghĩ rằng đang lấy nét chủ thể, nhưng thực ra máy ảnh đã lấy nét trật ra hậu cảnh, làm hỏng mất tấm ảnh. Chuyện này thường xảy ra khi điểm lấy nét nằm ngay mép của chủ thể và hậu cảnh. Cách duy nhất để tránh trường hợp này là cần phải thật cẩn thận mỗi khi lấy rõ nét tại mép của chủ thể và hậu cảnh. Nếu có thể thì khóa điểm lấy rõ nét trước khi xoay máy sang chỗ khác để lấy bố cục theo ý muốn.
2. Tốc độ quá chậm khi chụp với máy trên tay.
Quy luật về tốc độ tối thiểu để tránh rung khi chụp với máy trên tay là MỘT chia cho tiêu cự của ống kính. Do đó khi bạn chụp với ống kính góc độ rộng, chẳng hạn 30mm thì cần đặt tốc độ là 1/30 giây (hoặc mau hơn); còn với ống kính chụp xa, chẳng hạn với tiêu cự 200mm thì tốc độ ít nhất phải là 1/200 giây để khỏi bị rung.
Khi chụp với ưu tiên khẩu độ (Aperture Priority mode), thì vì tốc độ không được để ý nên rất dễ bị chậm hơn mức chấp nhận được. Cần Cần nhớ là nếu chụp với máy crop thì bạn cần phải tính xem máy full frame có tiêu cự bao nhiêu rồi nhân với tỉ số crop máy của bạn. Thí dụ nếu máy full frame có tiêu cự 200mm thì máy Canon (loại crop) sẽ cần tốc độ tối thiểu là 200 x 1.6 = 1/320 giây; máy Nikon là 200 x 1.5 = 1/300 giây.
3. Tốc độ quá chậm khi chụp vật di động.
Để chụp rõ vật đang di động bạn cần để tốc độ nhanh. Chẳng hạn 1/250 giây cho người đang đi bộ. Chạy hoặc chơi thể thao thì cần nhanh hơn, khoảng từ 1/500 đến 1/1000 giây tùy theo vật đó di chuyển nhanh ra sao. Cần luôn để ý tới tốc độ trên máy đang là bao nhiêu, nhất là khi đang đặt máy ở chế độ ưu tiên khẩu độ.
4. Không lấy nét tại mắt khi chụp chân dung.
Khi chụp gương mặt của một người, nhất là khi độ sâu trường ảnh (depth of field) cạn và chụp cận ảnh thì cần phải lấy nét ngay tại con mắt (trừ khi bạn muốn lấy nét nơi khác vì một lý do sáng tạo nào đó). Lấy nét tại mũi hoặc cằm không đủ, cần lấy nét ngay tại mắt. Một tấm ảnh chụp chân dung kể như bỏ đi nếu vành tai rõ hơn con mắt.
5. Không nâng ISO lên đủ cao.
Trong trường hợp bạn không cần chụp vùng ảnh rõ sâu thì việc nâng ISO lên cao là một chọn lựa tốt, ngay cả lên đến 1600, 3200, 6400 tùy thuộc vào máy và điều kiện ánh sáng lúc đó. Nhờ nâng ISO lên cao nên có thể tăng tốc độ máy nhanh hơn, tránh không bị ảnh mờ vì máy cầm trên tay hay vì vật đang di chuyển; và có thể thu khẩu độ nhỏ lại để có vùng ảnh rõ sâu hơn. Dù ảnh có thể bị nhiễu (noise) vì tăng ISO nhưng nếu chụp được tấm ảnh sắc nét thì cũng đáng công.
6. Không giữ thật yên khi bấm máy.
Khi chụp ảnh, bạn cần giữ máy thật yên, sau đó lấy bố cục cho vừa ý trước khi bấm máy. Bấm xong cũng đừng vội hạ máy quá nhanh. Khi chụp mà chính bạn đang di chuyển thì ảnh sẽ bị mờ, trừ khi bạn đặt tốc độ máy rất cao.
7. Không chùi sạch ống kính.
Những vết bẩn trên ống kính sẽ làm giảm độ rõ và đôi khi làm hỏng hoàn toàn tấm ảnh. Cần luôn mang theo miếng khăn nhỏ để chùi ống kính cho thật sạch trước khi chụp.
8. Không lấy nét trong tối được.
Một số máy không lấy nét tự động trong bóng tối được. Trong trường hợp như vậy thì tìm những điểm trắng, sáng hoặc tương phản để lấy nét. Nếu máy vẫn không lấy nét được thì chuyển qua lấy nét bằng tay (Manual focus). Dùng ống kính với khẩu độ rộng (như 50mm f/1.8) sẽ dễ dàng hơn để lấy nét trong điều kiện thiếu sáng.
9. Sử dụng chân máy không đúng cách
Khi dùng chân máy, bạn không được đụng tới nó khi ảnh còn đang chụp. Ngay cả việc nắm chân máy cho vững cũng có thể làm cho tấm ảnh bị mờ. Thay vào đó bạn có thể dùng giây bấm mềm, dụng cụ bấm từ xa, hoặc chụp tự động với 2 giây đồng hồ.
Cần đặc biệt để ý đến việc sử dụng chân máy vào những ngày gió mạnh. Gió có thể làm rung máy khiến ảnh bị mờ. Để tránh điều này, cần chụp lúc gió tạm yên giữa hai cơn gió mạnh. Cũng có thể nâng ISO lên để có thể đặt tốc độ nhanh hơn. Chụp với tốc độ 10 giây giữa hai cơn gió thì sẽ dễ hơn là chụp với tốc độ 30 giây.
Cần tắt nút IS (hoặc VR) khi chụp với chân máy. Với những máy mới thì có thể không cần làm như vậy, nhưng tạo thói quen đó cũng là điều nên làm. Hệ thống chống rung có thể gây nên những rung động nhỏ khi máy đứng yên.
Cũng cần nhớ thêm những điều sau đây khi sử dụng chân máy:
- Chỉ kéo chân máy dài ra tới mức cần thiết vì chân máy càng cao thì càng bị rung. Sử dụng các phần của chân máy theo thứ tự như sau: phần lớn của chân máy, rồi tới phần nhỏ hơn ở phía dưới, và sau cùng mới tới cây trục giữa.
- Dùng mirror lockup để máy bớt rung do mirror đóng mở khi chụp với tốc độ chậm.
- Nên đặt ISO thật thấp để tránh nhiễu. Chụp với chân máy thì ta không cần tốc độ nhanh nữa, trừ trường hợp gió mạnh.
Vũ Công Hiển