Chọn bố cục ảnh như những nhà chuyên nghiệp
Từ những sự gợi ý của các nhà họa sĩ, các nhiếp ảnh gia đã học được rằng bố cục của bức ảnh không chỉ là nơi mà bạn đặt chủ đề vào. Ánh sáng, phối cảnh và độ tương phản đều đóng một vài trò trong việc tạo ra một bức ảnh đẹp và sự thật là chúng ta có thể sử dụng chúng.
Dưới đây là các hướng dẫn của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp giúp bạn không chỉ cải thiện khả năng chụp ảnh mà còn giúp bạn quan sát và tìm ra các góc nhìn tốt hơn trong chụp ảnh.
1. Nhấn mạnh các điểm nổi bật:
Đôi mắt của chúng ta luôn bị thu hút bởi những vùng sáng nhất trong bức ảnh. Hãy sử dụng đặc tính này để soạn bố cục. Một bức chụp gần của một bông hoa được một tia sáng chiếu vào cho ra một bức ảnh gây ấn tượng hơn là chụp nhiều bông hoa giống nhau dưới bóng râm của một gốc cây nào đó.
Hãy tìm vùng tương phản trong ánh sáng và soạn bố cục xung quanh những vùng sáng nhất trong khung cảnh. Sử dụng độ phơi sáng chính xác là điều cần thiết, hãy dùng chế độ đo sáng điểm (spot meter) để đọc chủ đề và dùng histogram để bảo đảm rằng các điểm nổi bật không bị quá sáng.
2. Lập lại các hoa văn hoặc các mẫu:
Các hoa văn lập đi lập lại của một chủ đề hoặc một khung cảnh mang lại một bố cục hiệu quả. Các hoa văn lập lại xuất hiện ở khắp nơi nếu bạn chú ý quan sát, ví dụ như khung cảnh lá rơi nhiều vào mùa thu hoặc đơn giản là các đường gân của một chiếc lá riêng biệt.
Trong bất cứ trường hợp nào, cô lập các mẫu hoặc hoa văn được lập lại đó và lấp đầy khung hình với các mẫu đó. Sử dụng ánh sáng bên cạnh hoặc ánh sáng phía sau để nhấn mạnh các thành phần và kết cấu của chủ đề.
3. Sử dụng các đường mép:
Hầu hết các nhiếp ảnh gia đều biết quy tắc 1/3 – chia khung hình ra làm 3 phần bằng nhau theo chiều dọc và chiều ngang, đặt chủ đề của bạn tại điểm giao nhau của những đường chia đó. Tuy nhiên,bức ảnh sẽ trông sáng tạo hơn nếu bạn đặt các chủ đề của bạn sát vào đường mép của khung hình ví dụ như sát về phía phải hoặc phía dưới khung hình, làm mờ các chi tiết còn lại và hãy nhìn xem nó tạo cảm giác như thế nào.
4. Thay đổi góc nhìn:
Tất cả chúng ta đều đã từng phóng to hoặc thu nhỏ một vài chủ thể trong bức ảnh để loại bỏ một vài yếu tố khác. Thỉnh thoảng, mặc dù chúng ta có tiền cảnh mình mong muốn nhưng hậu cảnh lại có quá nhiều hoặc quá ít các yếu tố mà chúng ta cần. Phóng to chủ thể một cách đơn độc sẽ không hiệu quả.
Khoảng cách và độ dài tiêu cự thay đổi kích thước của chủ thể và mối liên hệ của nó với hậu cảnh. Tăng kích cỡ hậu cảnh bằng cách sử dụng kỹ thuật chụp cảnh xa để duy trì kích cỡ liên quan của chủ thể trong khung hình. Giảm kích cỡ của hậu cảnh bằng cách tới gần hơn và sử dụng ống kính góc rộng.
5. Đặt khung cho cảnh vật:
Tạo một cái khung cho chủ đề chính bằng cách bố trí một chủ thể khác đứng trước nó. Các khung hình tự nhiên như những cái cây hoặc các tảng đá, các cấu trúc do con người làm ra như lối vào cửa, các hình vòm của những chiếc cầu hoặc cửa sổ. Tạo khung cho cảnh vật thu hút đôi mắt người xem vào chủ thể của bạn và tránh những khoảng trống gây xao lãng chủ đề xung quanh nó.
6. Tập trung vào màu sắc:
Các màu sáng thường thu hút sự chú ý của chúng ta, và trong nhiếp ảnh, các màu sáng có thể là một yếu tố gây ấn tượng. Nó có thể là một cái nhị hoa của cây hoa huệ hoặc màu sắc đậm lúc mặt trời lặn. Vì vậy, để có một bố cục thành công, các màu sắc mạnh thường được sử dụng để làm trung tâm của khung hình.
Điều quan trọng là cần phải tạo ra các vùng tương phản giữa các màu sắc sáng với bóng râm hoặc các màu tối hơn để làm nổi bật chủ đề. Các tông màu tối hoặc một bóng râm của tiền cảnh sẽ dẫn đôi mắt hướng đến phần sáng nhất của khung hình.
7. Xác định các kết cấu:
Tạo ra các vùng tương phản trong bố cục giúp xác định kết cấu của bức ảnh. Trong các khung cảnh nơi mà ánh sáng chiếu một góc thấp xuống bề mặt của mặt mất, thường xảy ra khi mặt trời thấp xuống bầu trời nhưng không ở dưới đường chân trời, loại ánh sáng này làm xuất hiện rõ các kết cấu của khung cảnh mà bạn có thể sử dụng như một yếu tố trong các bức ảnh của bạn. Hãy nhớ phơi sáng những phần sáng nhất của khung cảnh và tránh bị quá sáng ở các điểm nổi bật.
8. Khoảng trống cho ảnh hoạt động:
Khi soạn bố cục cho các tấm chụp động vật hoang dã, cụ thể là những chủ thể di chuyển theo hàng nganng, hãy để một khoảng trống trong bố cục của chủ thể để người xem có thể thấy được hướng chuyển động của chủ thể, vì người xem thường muốn thấy nơi mà chủ thể muốn di chuyển đến.
Khi di chuyển ống kính theo một chủ thể di chuyển nhanh, một khoảng trống rộng cũng cung cấp một vùng đệm để bảo đảm bạn có thể nắm bắt toàn bộ chủ thể trong khung hình. Khi sử dụng autofocus, thiết lập máy ảnh chụp theo continous focus và khóa điểm lấy nét trước khi chụp, hệ thống autofocus của máy ảnh sẽ di chuyển theo sự chuyển động của chủ thể.
9. Các tông màu tương phản:
Soạn bố cục của bức ảnh với các vùng sáng và tối trái ngược nhau để tạo ra một độ căng ấn tượng trong bức ảnh. Tìm kiếm những chủ thể mà ánh sáng mặt trời chiếu sáng vào một bên và tối phía còn lại. Độ phơi sáng khác nhau giữa 2 vùng đó nên có ít nhất 3 đến 4 khẩu, đủ để tạo ra một vùng tương phản mạnh mẽ. Các đường ranh giới giữa 2 vùng sáng tối là một yếu tố sáng tạo mạnh mẽ, các đường cong hoặc đường hình chữ S chia 2 ra vùng sáng tối tạo cảm giác tương phản mạnh hơn các đường ngang và đường dọc.
10. Ống kính góc rộng:
Đối với ảnh phong cảnh, ống kính góc rộng giúp nắm bắt được nhiều khung cảnh ấn tượng. Chúng làm việc tốt trong việc tạo ra phối cảnh hiệu quả, nó thể hiện một tiền cảnh rộng và rõ nét tương phản với một hậu cảnh nhỏ. Ống kính góc rộng bắt bạn nhìn vào tiền cảnh và hãy sử dụng đặc tính này để tạo ra một bức ảnh hấp dẫn và ấn tượng.
Đưa máy xuống thấp để làm tiền cảnh nổi bật. Sử dụng khẩu độ f/16 là lý tưởng, lấy nét vào một vật gì gần đó nhưng không nên là vật gần nhất của khung cảnh, bạn sẽ có nhiều độ sâu trường ảnh hướng về phía sau của bức ảnh.
Cuối cùng, để có một bức ảnh đẹp thì chúng ta nên dùng tripod. Chúng ta đều biết tripod giúp chúng ta duy trì được độ sắc nét và tạo điều kiện thuận lợi để soạn bố cục cho bức ảnh.
Theo XNA (Outdoorphotographer)