CHỤP BÌNH MINH VÀ HOÀNG HÔN
Nếu một ngày có 24 giờ thì đêm chiếm trọn một nửa, 12 tiếng. Đấy là không kể hai buổi bình minh và hoàng hôn, những thời khắc ánh chiều chạng vạng không còn là ngày nữa tuy chưa thuộc hẳn vào đêm.
Bởi vậy mà đêm, bình minh và hoàng hôn có mặt trong toàn thể các bộ môn nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh.
Đặc tính chung
Bình minh, hoàng hôn và đêm tối chung một đặc tính: ít ánh sáng, nhiều đen. Cỏ, cây, mây, nước, người, vật ở trong những thời điểm này có sinh hoạt khác hẳn lúc ban ngày.
Nói một cách chuyên môn, chúng ta đứng trước những đường nét mới, đậm lợt mới, những chuyển động mới, và những xúc động mới.
Đặc tính riêng
Nếu bình minh và hoàng hôn có nhiều điểm tương đồng thì bình minh và hoàng hôn khác hẳn đêm tối.
a) BÌNH MINH và HOÀNG HÔN GIỐNG NHAU
- Mặt trời ở thấp chiếu lên, mây ở chân trời viền trắng ở phía dưới. Viền sáng này tương đối rất mạnh.
- Lúc này mây thường đứng yên khá lâu
- Thường có tia xẹt
- Chân trời trắng hơn vòm trời
- Ánh sáng yếu và chân trời trắng, cảnh vật trở nên bóng đen (silhouette)
- Sinh hoạt trở nên hấp tấp vội vàng.
b) BÌNH MINH, HOÀNG HÔN KHÁC NHAU
- Bình minh ngắn, hoàng hôn dài.
- Mặt trời ở bình minh lớn, ở hoàng hôn nhỏ. Độ sáng cũng khác nhau, bình minh mạnh và hoàng hôn yếu.
- Sinh hoạt vội vã và uể oải ở hoàng hôn và thoải mái, chuẩn bị ở bình minh.
- Ở thôn quê, cuộc sống bừng dậy với bình minh. Ở thành thị, người ta đợi hoàng hôn xuống mới bắt đầu.
- Bình minh tươi sáng, vui; hoàng hôn tàn tạ, buồn. Thường nghe nói bình minh là tuổi thơ ấu hồn nhiên, hoàng hôn là cằn cỗi già nua của đời người.
c) ĐÊM TỐI
Khi mặt trời biến lặn, toàn thể cảnh vật chìm vào bóng đêm dầy đặc. Một lúc lâu quen mắt, con người cũng phân biệt được hình thù cảnh vật trong đêm tối. Tuy nhiên mờ mờ không rõ nét, sắc cạnh và hầu như mất hẳn khối, trở nên bẹt phẳng.
Đêm có sao chiếu, lại có mặt trăng và ánh đèn, hiện nay với kỹ thuật hiện đại cũng chỉ cho phép nhiếp ảnh bắt đầu từ đây, hoạt động được.
Về ý tưởng, đêm màu đen hợp với cảnh buồn. Đêm là thời khắc của nghỉ ngơi. Đêm đen dày đặc là tòng phạm của tội lỗi. Giữa màu đen le lói ngọn đèn nổ ra như một đóa hoa hy vọng, hay nói lên sự hiện diện của một tâm hồn đang suy tưởng, đang khát vọng, đang chờ mong từng ý muốn của người ảnh và tùy vào sự diễn tả của người mẫu...
Dưới ánh nến leo lét, một ly càphê cạn, một điếu thuốc cháy đến sát gốc, một trang thơ viết còn ướt mực... đấy là hình ảnh của người văn, người thơ.
Dưới ánh đèn dầu, bà ngồi kể chuyện cho nhiều đứa cháu nghe, đứa nép vào lòng bà, đứa vân vê nếp áo bà, có đứa đã lăn ra ngủ... đấy là bức tranh hạnh phúc.
Trên hoa viên, những đôi lứa cố tránh ánh đèn để xây dựng tương lai, bên đó có những mối tình cô độc, cạnh những dây đàn lỡ dở ngang cung đến đây để tìm gió sông, để tìm âm thanh của những viên sỏi xạc xào với những gót giày hòng tìm sống lại những kỷ niệm đã qua.
Đêm đến, dưới những mái hiên đô thị thè ra như một cái lưỡi để đón ánh sáng tỏa ra từ những ngọn đèn néon thắp trong buồng cao đã khép lại, những cửa sổ có những đứa trẻ côi cút, rách rưới ôm chặt lấy nhau mà ngủ.
Mưa đêm làm bừng lên những mặt phố tráng nhựa, những chiếc xe xích lô buông mui kín mít càng thêm nặng nề. Cô độc hơn nữa là những chiếc xe ôm đợi khách co ro dưới màn nước xối xả.
Đêm còn nhiều hiện tượng khác nữa tùy theo từng tâm hồn, từng tâm trạng mà mỗi lúc nhìn thấy, chúng ta, những người ảnh có thể ghi lại hết, cũng như ta có thể chụp được đêm trăng nếu ta có chân máy, dây bấm mềm và một cái dù che.
Phần thể hiện
Chụp đêm tối, hoàng hôn và bình minh trước hết đòi hỏi người ảnh một khóe nhìn - Nhìn thấy cái gì? Nhìn nó ra sao? Thích hay không thích? Đẹp hay không đẹp? Sau đó rồi mới đến việc tìm góc cạnh, tìm cách thể hiện.
Về góc cạnh, loại ảnh này không khác ảnh ban ngày. Về cách thể hiện cũng vậy, tuy nhiên phải nhớ rằng con mắt nhìn sáng hơn ống kính nhiều lắm. Phải mở to và mở lâu hơn ước lượng, nhất là chụp trong đêm, dưới đèn.
Dùng phim nhạy nhất có thể, hoặc với máy KTS thì cứ set iso cao mà không sợ "noise". Cảnh vật trong đêm tối không nhiều chi tiết nên tráng phim, chụp ra hình có nhiều hạt cũng không sao. Riêng ảnh chụp hoàng hôn và bình minh vẫn cần phải chụp phim nhỏ hạt (set iso thấp).
Máy nào cũng chụp được ba thể loại trên. Chụp đêm tối đòi hỏi ống kính thật sáng để có thể bắt đứng được những chủ đề chuyển động vừa vừa.
Những dụng cụ cần thiết khác: Đối với loại ảnh đêm, cần mở máy lâu (tốc độ chậm), phải có chân máy. Máy đặt lên chân, bấm bằng dây bấm mềm ảnh sẽ không bị rung nhòe.
Trong những đêm chụp mưa, dùng cái dù (ô) để che cả người lẫn máy còn tốt hơn là mặc áo mưa.
Những cách để chụp ảnh đêm, hoàng hôn và bình minh
CHỤP GIỮA BAN NGÀY ĐỂ THÀNH SÁNG TRĂNG dùng kính lọc màu cam hoặc đỏ, ảnh chụp trời nắng thành sáng trăng cần để ý những chi tiết làm "lòi đuôi" như: cái nón, mũ trên đầu người qua lại...
CHỤP CHẠNG VẠNG TỐI THÀNH ĐÊM. Thật vào đêm đen tối, kể cả thắp đèn sáng, màu sắc thường tương phản kinh khủng. Muốn cho còn chi tiết trong bóng đen, phải dùng rất nhiều đèn sáng chiếu gián tiếp. Có một cách khác đỡ đòi hỏi dụng cụ phụ, đó là chụp lúc chạng vạng tối, vào cái lúc mà ánh chiều đã yếu hơn ánh đèn một chút.
Phải chuẩn bị từ sớm để vào lúc chạng vạng là bấm liền, giây phút này không kéo dài.
CHỤP PHÁO BÔNG. Pháo bông đốt lẻ tẻ, không thấy tưng bừng và đẹp mắt bằng nhiều bông nở trên dinh thự, trên trời cao.
Để máy vào tốc độ B và che trước ống kính bằng một miếng giấy đen. Chỉ những lúc có pháo bông mới mở miếng giấy đen ra. Ghi nhiều lần trên cùng một miếng phim (hay sensor), ta sẽ có đầy đủ số bông pháo đã chụp.
CHỤP ĐÈN CẦY (NẾN). Chụp nguyên cây đèn đang cháy, ngọn phừng lên và chuyển động không đứng yên một chỗ, ra ảnh thành nhòe.
Có thể chụp hai lần, lần trước mở máy lâu cho phim bắt đủ cảnh vật và cây đèn cầy, kể cả cái tim màu đen (đèn cầy không đốt cháy). Lần sau đốt ngọn đèn lên và chụp nhanh. Ở một phim mà chụp hai lần đó cảnh vật đều rõ và cả ngọn đèn cầy cũng rõ, hay nhất là còn thấy cả phần dưới tim đèn.
CHỤP ĐÈ CHỒNG NHIỀU LẦN. Vào đêm tối, có thể chụp nhiều lần trên cùng một miếng phim. Nghiên cứu thật kỹ loại ảnh này rất kỳ dị và gây ngạc nhiên cho người xem không ít.
Cách thức để máy (setup)
BÌNH MINH và HOÀNG HÔN - Người ảnh phải tự trả lời: chụp nền mây hay chụp người.
Để máy vào sắc độ của nền mây nếu muốn ghi mây, cảnh vật phía gần sẽ đen thui.
Để máy cho rõ nét (chi tiết) cảnh vật, mây sáng mạnh quá không hiện lên được.
Tùy từng sức sáng của cảnh vật mà để máy, không sao nói trước được.
ĐÈN ĐÊM. Nếu chụp đêm phố có nhiều đèn đường nên tìm đêm mưa vừa tạnh, những ngọn đèn ánh xuống đường đêm sáng và in vệt trên màn ướt.
Phải để tốc độ 1s trở lên, chụp "già" hơn chụp "non".
Chụp trong nhà thường cũng như thế. Ngày nay, với máy ảnh digital, ta có thể chụp trong điều kiện ánh sáng yếu và còn có thể bắt nhanh như mắt con người nhìn thấy.
Chúc các bạn may mắn!
(Bài trích trên Internet, không rõ tác giả)