Ánh Sáng Trong Nhiếp Ảnh
A. MỞ ÐẦU
Những nhà bác-học như Newton, Huygens, Plank, Einstein... đã đưa ra nhiều giả-thuyết về nguồn gốc của ánh sáng, nghe đều rất kêu, nhưng chẳng có giả-thuyết nào có ứng-dụng thực-tế vào vấn-đề của chúng ta là nhiếp-ảnh. Do đó ta có thể để vấn-đề nguồn gốc của ánh sáng cho các nhà bác-học tranh-luận, còn ta đi tìm hiểu về đặc-tính và cách sử-dụng ánh sáng trong một phạm-vi tuy nhỏ hẹp nhưng thực-tiễn hơn với ta hơn, đó là ánh sáng trong nhiếp-ảnh.
Ta đều biết rằng ánh sáng là nguồn gốc của nhiếp-ảnh. Có ánh sáng thì có nhiếp-ảnh, không có ánh sáng thì không có nhiếp-ảnh. Ánh sáng mà chúng ta đề-cập tới có thể là ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu soi sáng khuôn mặt đầy nhọc nhằn, chịu đựng của người cô-phụ... cũng có thể là ánh sáng âm u của một ngày mưa dầm gió bấc, làm ướt át từ đầu đến chân, đến cả cái gầm cầu tối tăm của kẻ không nhà... cũng có thể là ánh sáng hồng-ngoại, tử-ngoại... mắt người không nhìn thấy, dùng trong việc do-thám, chiến-tranh...
Ánh sáng tạo ra vùng sáng ở một phía của cảnh vật, ánh sáng cũng tạo ra vùng tối ở phía bên kia. Ánh sáng tạo ra bóng đổ, bóng dài hay bóng ngắn, có lợi hay hại còn tùy theo cách sử-dụng. Ánh sáng rọi lên vật-chất, tạo ra vân-thể, sần sùi hay nhẵn nhụi, trình ra hay dấu diếm đi ít nhiều chi-tiết, chi-tiết hay hay dở tùy theo khả-năng hay ý-thức của người cầm máy. Ánh sáng tạo ra không-gian ba chiều, nghĩa là tạo ra khối-lượng, tạo hình-thể. Ánh sáng cũng tạo ra ý nghĩa, với những mảng đậm u buồn, nặng nề, đe dọa, hay những mảng sáng nhẹ nhàng, cởi mở, vui tươi...
Vì vậy ta thấy vai trò của ánh sáng trong nhiếp-ảnh là tối quan-trọng, chẳng thế mà huy-hiệu của Tổng-Hội Nhiếp-ảnh Nghệ-thuật Thế-giới (Fédération Internationale de l'Art Photographique, viết tắt là FIAP) có hàng chữ KHOA-HỌC - MỸ-THUẬT - ÁNH SÁNG (Scientia Ars Lumen), chữ "ánh sáng" được tuyên-dương trên huy-hiệu đó đã nói lên vai trò quan-trọng của ánh sáng.
Trong phạm-vi nhiếp-ảnh, chúng ta chỉ tìm hiểu những khía cạnh nào của ánh sáng trực-tiếp liên-quan đến vấn-đề sáng-tác của chúng ta hầu ta có thể khai-thác và sử-dụng một cách hữu-hiệu những đặc-tính đó.
B. NGUỒN SÁNG
Ánh sáng tỏa ra từ một nguồn sáng.
Có nguồn sáng thiên-nhiên, tự nó phát ra ánh sáng, ngày ngày ban phát ánh sáng ấy đó cho muôn loài, muôn vật... như mặt trời, mặt trăng... Có nguồn sáng nhân-tạo, do con người tạo ra, cháy liên-tục như cây nến hay đèn điện v.v... hoặc chỉ phát ra ánh sáng trong khoảnh-khắc như flash điện-tử... hoặc phức-tạp kỳ-bí như ánh sáng hồng-ngoại, tử-ngoại, laser, quang-tuyến X... mà những loại ánh sáng này, có thứ ta dùng trong nhiếp-ảnh tài-tử, có thứ không.
1. NGUỒN SÁNG THIÊN-NHIÊN.
Mặt trời là nguồn sáng thiên-nhiên bao-la, dũng-mãnh nhất và cũng rẻ tiền nhất. Nguồn sáng này soi sáng tất cả mọi người, mọi vật trên mặt địa-cầu, những vùng ở ngay xích-đạo hay gần xích-đạo nhận được ánh sáng điều hòa xuốt năm, trái lại những vùng gần bắc và nam-cực mỗi năm bị ba tháng không có ánh sáng, cả bầu trời tối đen, và mỗi năm có ba tháng mặt trời không bao giờ lặn, ngày đêm cũng sáng như nhau... Ánh sáng mặt trời dường như hiện-hữu đến vô-tận, ngoại trừ một ngày không may nào đó, lỡ có một vân-thạch khổng-lồ rơi xuống địa-cầu làm vẩn bụi che hết ánh sáng mặt trời, nhiệt-độ sẽ hạ xuống thật thấp, loài người sẽ bị tận-diệt như loài khủng-long cách nay hàng nhiều triệu năm...
Ánh sáng trăng cũng là một nguồn sáng thiên-nhiên, cũng bao la nhưng không dũng-mãnh. Ánh sáng trăng được thi-vị hóa, được mơ mộng hóa, là nguồn cảm-hứng của văn nhân thi-sĩ như Ðỗ-Phủ, Lý-Bạch, Hàn-Mặc-Tử... nhưng không giúp ích gì lắm cho nhiếp-ảnh, mặc dù thỉnh thoảng ta cũng thấy một vài tấm ảnh thu hình dưới ánh sáng trăng. Tấm ảnh nổi tiếng "Trăng lên trên Hernandez" của Ansel Adams trình bày chị Hằng trắng trẻo ngồn ngộn trên nền trời đen, nhưng ánh sáng để chụp tấm ảnh ấy lại không phải ánh sáng trăng mà là ánh sáng nắng quái của một buổi chiều...
2. NGUỒN SÁNG NHÂN-TẠO.
Khi nào ánh sáng thiên-nhiên không đủ mạnh hay khi vắng hẳn ánh sáng thiên-nhiên, muốn chụp được ảnh, ta phải sử-dụng đến nguồn sáng nhân-tạo. Nguồn sáng nhân tạo gồm tất cả các loại đèn, dù là đèn dầu, đèn nến, ánh sáng leo lét mong manh... cho đến những đèn flash điện-tử cầm tay hay flash nhà nghề, cường-độ lấn át cả ánh sáng ngày... hoặc ánh sáng đèn bóng, đèn ống, đèn halogen, hồng-ngoại (1), quang-tuyến X, laser, hồ-quang v.v...
Những loại nguồn sáng kể trên, có loại hữu-dụng trong nhiếp ảnh phổ-thông, có loại không. Tuy nhiên ta có thể điều-khiển ánh sáng phát ra từ những nguồn sáng nhân-tạo dễ dàng và hữu-hiệu hơn ánh sáng phát ra từ nguồn sáng thiên-nhiên. Vì vậy đã có một số người nhận xét là chụp ảnh dưới ánh sáng ngày khó khăn hơn là chụp dưới ánh sáng nhân-tạo, điển-hình là ảnh chân-dung trong phòng chụp, so sánh với chân-dung ngoài trời hay chân-dung tranh tối tranh sáng.
C. CÁC LOẠI TIA SÁNG
Xuất-phát từ nguồn sáng, ánh sáng tỏa ra bằng tia. Mỗi tia sáng có một đặc-tính và một công-dụng đặc-biệt trong nhiếp-ảnh.
1. TIA SÁNG SONG SONG.
Tia sáng mặt trời là một thí-dụ điển-hình về tia sáng song song. Ở nguồn sáng nhân-tạo, người ta tạo tia sáng song song bằng chóa đèn hoặc bằng kính Fresnel (2).
Chóa đèn được chế-tạo trũng như lòng chảo; ánh sáng tạt vào vùng lòng chảo đó rồi hắt ra phía trước, tùy theo độ trũng nông hay sâu, tạo ra tia sáng song song, hội-tụ hay phân-kỳ.
Một cách khác, dùng miếng kính Fresnel (kính nổi gờ, tạo thành những vòng tròn đồng-tâm) đặt phía trước nguồn sáng (thí-dụ như đèn chụp trong studio); dời miếng kính này gần hay xa nguồn sáng, ta cũng tạo được tia sáng song song, hội-tụ hay phân-kỳ.
Tia sáng song song có đặc-tính tạo bóng đổ sắc cạnh, tạo tương-phản, soi mói, trình ra nhiều chi-tiết, vân-thể của vật-chất... Do đó, nếu muốn làm tăng chi-tiết ở da mặt khi chụp chân-dung nam giới hay các cụ già, ta hướng mặt chủ-đề ra phía tia sáng song song. Muốn trình bày chi-tiết của thân cây, vách núi, bức tường... ta cũng dùng tia sáng song song.
Trái lại, nếu muốn che dấu chi-tiết, nếu không muốn thấy bóng đổ, không muốn tương-phản... tránh sử-dụng tia sáng song song.
2. TIA SÁNG HỘI-TỤ.
Tia sáng hội-tụ, phát ra từ nguồn sáng rồi qui-tụ lại một vùng nào đó tương-đối nhỏ. Tia sáng hội-tụ không có trong trạng-thái thiên-nhiên.
Muốn có tia sáng hội-tụ, ta phải dùng đến nguồn sáng nhân-tạo, phối-hợp với chóa đèn hay kính Fresnel.
Tia sáng hội-tụ có đầy đủ các đặc-tính của tia sáng song song, nhưng bóng đổ còn mạnh hơn, tương-phản còn cao hơn, còn soi mói và làm tăng chi-tiết nhiều hơn nữa...
3. TIA SÁNG PHÂN-KỲ.
Tia sáng phân-kỳ tỏa ra từ nguồn sáng, phân-tán theo nhiều phương-hướng... Cũng có những trường-hợp, tia sáng song song hay hội-tụ, gặp vật-thể gì có màu sắc nhẹ, phản chiếu lại, tỏa ra tứ tán mà tạo thành. Hoặc là tia sáng song song hay hội-tụ, chiếu qua một vật-thể mỏng (thí-dụ như miếng vải trắng, tấm plastic đục...) ánh sáng cũng bị khuyếch-tán, tỏa ra nhiều hướng tạo thành ánh sáng phân-kỳ.
Trong trạng-thái thiên-nhiên, ánh sáng âm-u của những ngày nhiều mây hay sương mù là thí-dụ điển-hình về tia sáng phân-kỳ.
Tia sáng phân-kỳ cũng còn có thể tạo thành bằng cách dùng chóa đèn hay kính Fresnel hay dùng tấm hắt sáng. Gần đây, người ta còn dùng cái "hộp" bằng vải trắng nhiều mặt (gọi là "soft box"), trùm phía ngoài cái flash nhà nghề để tạo ánh sáng phân-kỳ trong phòng chụp.
Tia sáng phân-kỳ có đặc-tính làm dịu bóng đổ (hay loại bỏ hoàn toàn bóng đổ), làm giảm-thiểu chi-tiết, giảm thiểu những vết nhăn trên da mặt... thích-hợp cho việc chụp chân-dung nữ giới hay những chủ-đề mang ý tưởng dịu dàng, nhẹ nhàng, thơ mộng...
4. CÁCH ÐỔI TIA SÁNG TỪ LOẠI NÀY SANG LOẠI KIA.
Ánh sáng ít khi chiều người. Khi ta cần tia sáng phân-kỳ nhất thì ta lại gặp tia sáng song song hay ngược lại.
Trong phòng chụp, ta có thể tạo bất cứ loại tia sáng nào, bất kể ta dùng đèn bóng (photo flood) hay flash điện-tử. Như trên đã đề-cập, ta có thể dùng chóa đèn khác nhau hay kính Fresnel để tạo ba loại tia sáng chính; ta cũng có thể dùng hắt sáng hay soft box để tạo tia sáng phân-kỳ hay phối-hợp cả hai ba phương-pháp kể trên. Tuy vậy, kính Fresnel ngày nay không còn thông-dụng như trước đây, khi đèn bóng còn ngự-trị trong giới nhiếp-ảnh chân-dung nhà nghề.
Ngoài trời, việc đổi tia sáng thiên-nhiên từ loại này sang loại kia bị giới-hạn và trong một số trường-hợp, không đổi được.
Trước hết, ta không thể đổi tia sáng phân-kỳ của những ngày âm-u hay tranh tối tranh sáng trong nhà thành tia sáng song song hay hội-tụ.
Muốn đổi tia sáng song song của những ngày trời nắng thành tia sáng phân-kỳ (thí-dụ để chụp chân-dung...), ta có hai cách thực-hiện.
Dùng hắt sáng để tạo ánh sáng phản chiếu, phân-kỳ. Hắt sáng có thể là cây dù trắng, miếng bìa trắng, tờ báo trắng, chiếc áo trắng, miếng giấy nhôm trắng... Dời tấm hắt sáng xa hay gần chủ-đề để tăng hay giảm ánh sáng nhiều hay ít. Dĩ nhiên là phương-pháp này chỉ có thể áp-dụng được khi chủ-đề không lớn lắm.
Ta cũng có thể dùng miếng vải trắng hay chiếc áo trắng... chăng phía trên chủ-đề (cũng như trên, chủ-đề không được lớn lắm), để chận tia sáng song song, biến nó thành tia sáng phân-kỳ. Chụp ảnh chân-dung, ta có thể xê dịch miếng vải trắng sao đó, để chừa chút tia sáng trực-tiếp cho chiếu xuống tóc, tạo ánh sáng tóc cho bắt mắt.
D. HƯỚNG ÐI CỦA TIA SÁNG
Hướng đi của ánh sáng có tính cách quan-trọng trong việc thu hình vì hướng đi này tạo hình-thể hay xóa bỏ hình-thể, tạo chi-tiết hay xóa bỏ chi-tiết, tạo tương-phản hay xóa bỏ tương-phản, tăng hay giảm sắc-độ, làm thay đổi phần nào màu sắc...
1. ÁNH SÁNG THUẬN.
Là ánh sáng chiếu tới chủ-đề theo hướng thu hình, nghĩa là ánh sáng tới từ phía sau lưng nhiếp-ảnh-gia, xuôi theo chiều ống kính; hoặc ánh sáng flash (flash gắn trên đầu máy ảnh)... là những trường-hợp ta chụp ảnh bằng ánh sáng thuận.
Ánh sáng thuận có đặc-tính trình ra nhiều chi-tiết ở chủ-đề, tọc mạch, soi mói... Ðiều này vừa có lợi, lại vừa có hại.
Nếu ta muốn trình ra nhiều chi-tiết hay vân thể của chủ-đề, dù chủ-đề là chân-dung, tĩnh-vật hay phong-cảnh... thì ánh sáng thuận giúp ta ghi nhận rõ ràng, đầy đủ những chi-tiết ấy. Ðiển-hình là những vết hằn, những vết thời-gian ghi trên khuôn mặt, rõ từng đến lỗ chân lông trên da mặt của bác nông-dân, của người ngư-phủ. Ánh sáng thuận cũng trình bày vân đá, vân gỗ, vỏ sần sùi của gốc cây đại thụ, tấm ván hàng rào... đầy đủ chi-tiết, vân thể...
Ánh sáng thuận thường không được ưa thích lắm, vì tuy trình ra nhiều chi-tiết nhưng lại bị "bẹt" hay "dẹp", nghĩa là không trình ra được hình ảnh nổi ba chiều. Trong trường-hợp phải dùng ánh sáng thuận, nên dùng ở trạng-thái dịu.
2. ÁNH SÁNG NGƯỢC.
Là ánh sáng chiếu từ phía bên kia chủ-đề ngược lại phía ống kính, đối nghịch lại với trường-hợp trên.
Ánh sáng ngược tạo nên bóng đen, che dấu chi-tiết trong vùng tối, tạo viền sáng thanh-tú quanh chủ-đề, tạo hình-thể lạ... Chiều xuống, ta chụp hàng cây in hình trên nền trời lúc hoàng-hôn hay chụp bóng người đơn-độc trên bãi vắng lúc mặt trời mọc, trời lặn... là những hình ảnh dùng ánh sáng ngược.
Ánh sáng ngược, trong trường-hợp ảnh chân-dung, tạo viền sáng khả-ái trên khuôn mặt, trên tóc, tạo tấm ảnh chân-dung rất bắt mắt. Muốn tránh trường-hợp bóng tối "phía bên này" làm tối khuôn mặt, không trình bày đủ chi-tiết, dùng hắt sáng hay bồi thêm flash nhẹ. Ánh sáng ngược thích-hợp với đa số loại đề-tài như phong-cảnh (hàng cây la đà hay khẳng khiu in hình trên trời, dãy núi đen nặng nề đe dọa...), kiến-trúc (căn nhà cũ kỹ, hoang-tàn hay ngọn hải-đăng nhô lên trên nền trời hoàng-hôn...), tĩnh-vật (bình hoa ngược sáng trên nền đen...) v.v...
3. ÁNH SÁNG TẠT NGANG.
Là ánh sáng chiếu tới chủ-đề từ phía phải hay phía trái, soi sáng một nửa chủ-đề còn phía bên kia chìm trong bóng đen.
Ánh sáng tạt ngang tạo hình-thể lạ mắt, tạo khối lượng, che dấu chi-tiết hay khuyết-điểm trong vùng tối, trình ra những chi-tiết hay hình-thể đẹp ở vùng sáng...
Ảnh chân-dung dù là phái nam hay nữ, già hay trẻ, chụp ở ánh sáng tạt ngang đều dễ bắt mắt, tuy nhiên không phải ai cũng thích loại ánh sáng này, vì nó tuy lạ mắt nhưng không phổ-thông cho lắm. Nếu ánh sáng tạt ngang quá gắt, dùng hắt sáng để thêm sáng vào phía tối, hoặc dùng ánh sáng dịu.
4. ÁNH SÁNG CHẾCH.
Thường được ưa chuộng nhất trong nhiếp-ảnh là ánh sáng chếch, nghĩa là ánh sáng chiếu xuống chủ-đề dưới một góc cạnh nào đó, khoảng từ 30 đến 60 độ so với mặt đất; hoặc nhìn bóng đổ của ta dưới đất, khi nào bóng dài gấp hai hoặc bằng một nửa chiều cao của ta, tốt nhất là khi bóng đổ dài bằng người thật, khi ấy ánh sáng chếch là 45 độ, có người cho là độ nghiêng lý-tưởng.
Ánh sáng chếch soi sáng chủ-đề, trình ra đầy đủ chi-tiết, có bóng đổ, tạo hình thể nổi ba chiều, tạo khối lượng...
Ứng-dụng của ánh sáng chếch là chụp ảnh chân-dung, kiến-trúc, phong-cảnh, tĩnh-vật, ảnh kỷ-niệm, ảnh du-lịch v.v...
5. ÁNH SÁNG TỪ TRÊN XUỐNG.
Ánh sáng chiếu từ phía trên xuống, thí-dụ như ánh sáng trời lúc giữa trưa, cũng có phần nào đặc-tính của ánh sáng tạt ngang, nhưng thường không được ưa chuộng bằng. Ánh sáng này che dấu chi-tiết trong phần tối, tạo bóng đổ ngắn và thô kệch...
Trong ảnh chân-dung, ánh sáng từ trên xuống tạo bóng đổ ở đôi mắt, ở mũi (có người so sánh với bộ râu Hitler), ở miệng, ở cằm..., hoàn toàn không bắt mắt.
Trong ảnh phong-cảnh, ánh sáng này soi sáng những phần của cành, lá... hướng lên trời, tạo bóng đổ xuống phía dưới đất loang lổ, lốm đốm... che dấu hết chi-tiết ở thân cây hay những gì ở dưới tàn cây.
Trong ảnh kiến-trúc, ánh sáng từ trên xuống soi sáng mái nhà, tạo bóng đổ trên tường, tạo tương-phản... có khi mất hết chi-tiết trên vách...
6. ÁNH SÁNG TỪ DƯỚI HẮT LÊN.
Ít có trường-hợp mà ánh sáng thiên-nhiên từ dưới tạt lên, soi sáng chủ-đề. Ta thường chỉ thấy ánh sáng này trong những phim kinh-dị, vì ánh sáng tạo bóng đổ quái gở trên khuôn mặt, đôi khi thêm cường-độ gắt, làm tăng sự gớm ghiếc. Nếu không vì những nhu-cầu trên, tuyệt-đối tránh dùng trong ảnh chân-dung.
7. ÁNH SÁNG PHẢN CHIẾU.
Là ánh sáng bật dội lại sau khi tia sáng tới chiếu vào một vật-thể có màu sắc nhẹ, có tính phản-quang hay một bề mặt láng bóng.
Ánh sáng phản chiếu thường là ánh sáng phân-kỳ, vì đa số trường-hợp sau khi bị phản chiếu, ánh sáng dội lại tỏa ra theo nhiều phương-hướng. Lấy thí-dụ ánh sáng mặt trời (song song), chiếu xuống sân hay bức tường xi-măng, ta có ánh sáng phản chiếu chan hòa bật lại.
Ánh sáng phản chiếu thường phá bóng đổ (hay làm nhẹ bóng đổ), thích-hợp với những loại ảnh chân-dung, tĩnh-vật, chụp cận, chụp lại tranh ảnh v.v...
Ánh sáng phản chiếu luôn luôn mang theo ít nhiều màu sắc của bề mặt phản chiếu. Ánh sáng phản chiếu từ thảm cỏ xanh sẽ mang theo ít nhiều màu xanh của cỏ, từ bức tường gạch đỏ sẽ mang theo ít nhiều màu đỏ... Do đó nếu ta chụp hắt flash vào trần nhà có màu, ảnh của ta sẽ bị áp-sắc màu đó. Cho dù ta không cố tình chụp hắt flash đi nữa, thì khi chụp bằng flash trong phòng, màu sắc của những vật dụng xung quanh cũng tạo áp-sắc trên ảnh, thí-dụ chụp một người đứng ở góc nhà, gần tấm màn cửa màu đỏ và bức tường vàng, ta sẽ có tấm ảnh người đó bị áp-sắc, một bên vàng, một bên đỏ, dù rất nhẹ.
8. ÁNH SÁNG TỔNG-HỢP.
Trong nhiếp-ảnh tài-tử, thường thường chúng ta gặp ánh sáng tổng-hợp của hai hay nhiều loại, thí-dụ ánh sáng chếch phối-hợp với ánh sáng phản chiếu hay ánh sáng ngược hợp cùng phản chiếu... Trong phòng chụp, dùng ánh sáng nhân-tạo, ta cũng thường phối-hợp ánh sáng thuận với ánh sáng chếch, hay ánh sáng thuận với ánh sáng tạt ngang... thêm đèn tóc, mà thực ra đèn tóc là sự phối-hợp giữa ánh sáng từ trên xuống với ánh sáng ngược. Một số nhiếp-ảnh-gia chân-dung còn dùng tấm hắt sáng phía dưới, phía trước mặt chủ-đề để tạt ánh sáng từ dưới lên với mục-đích phá bóng đổ và tạo ánh sáng đều (phân-kỳ).
Tuy gọi là ánh sáng tổng-hợp, nhưng trong khía cạnh nhiếp-ảnh, ta chia ánh sáng ra thành hai loại là ánh sáng chính và ánh sáng phụ.
Ánh sáng chính là loại ánh sáng mà ta dùng ở ngôi-vị chủ để tạo ý nghĩa cho chủ-đề. Ánh sáng chính tạo chi-tiết, tạo khối-lượng, tạo hình-thể, tạo đậm lợt, tạo ý nghĩa, dẫn dắt hướng nhìn, cách nhìn, do đó tạo nhịp nhàng, tạo cân bằng cho tác-phẩm nhiếp-ảnh. Ánh sáng chính có thể là bất cứ ánh sáng loại nào : thuận, ngược, ngang, chếch, lên, xuống... mạnh hay yếu. Ánh sáng chính có thể tự nó làm đầy đủ phận-sự mà không cần đến sự hỗ-trợ của ánh sáng phụ.
Ánh sáng phụ, như cái tên nó đã tự xác-định, trợ giúp cho ánh sáng chính, khi nào cần, để cùng tạo hình thể, ý nghĩa theo ý người cầm máy. Tuy gọi là thành-phần phụ, nhưng nhiệm-vụ của ánh sáng phụ không phải là vì vậy mà kém quan-trọng. Ánh sáng phụ làm tăng thêm chút chi-tiết ở chỗ này hay làm nhẹ đi chút chi-tiết ở chỗ khác, ánh sáng phụ tạo đường viền trên tóc trên vai của tấm ảnh chân-dung với tư-cách đèn tóc, ánh sáng phụ tạo tỷ-số độ sáng trong khi ánh sáng chính tạo hướng đi và cường-độ chính của ánh sáng.
E. CƯỜNG-ÐỘ CỦA ÁNH SÁNG
Ánh sáng có thể mạnh, có thể yếu.
Ánh sáng mạnh tạo tương-phản mạnh, tạo bóng đổ đen và sắc cạnh, trình ra những chi-tiết mạnh bạo, phũ phàng trong vùng sáng, che dấu các chi-tiết và vân-thể trong vùng tối.
Ánh sáng yếu dịu dàng hơn, do đó còn được gọi là ánh sáng dịu. Ánh sáng dịu làm giảm tương-phản, chi-tiết cũng có đó nhưng nhẹ nhàng hơn, trong nhiều trường-hợp, trình ra nhiều chi-tiết lý-thú hơn ánh sáng mạnh.
Cường-độ của ánh sáng thay đổi tùy theo khoảng cách từ nguồn sáng đến chủ-đề. Khoảng cách đó tăng, nghĩa là xa ra, thì ánh sáng tỏa ra rộng lớn hơn, nhưng yếu hơn. Lấy một thí-dụ : một cái flash (nguồn sáng), phát ra một đơn-vị ánh sáng (cường-độ) trên một mặt phẳng cách xa flash một mét (khoảng cách), thì khi khoảng cách đó tăng ra hai mét, cường-độ ánh sáng chỉ còn một phần tư, ra xa ba mét, cường-độ chỉ còn một phần chín... Giới nhiếp-ảnh gọi là luật nghịch-đảo bình-phương (the inverse square law). Trường-hợp ánh sáng mặt trời, vì nguồn sáng ở cách ta quá xa và cường-độ quá mạnh... cho nên khi ta tăng giảm khoảng cách từ máy đến chủ-đề, dù là cả trăm thước hay cả cây số, cường-độ ánh sáng vẫn không thay đổi (với điều-kiện là tình-trạng phô sáng ở hai nơi giống nhau, thí-dụ như cùng ở trên cánh đồng, không bị mây che, hay cùng bị mây che như nhau...).
1. TƯƠNG-PHẢN.
Ánh sáng mạnh, hay nói một cách khác, cường-độ của ánh sáng cao, tạo tương-phản. Tương-phản càng mạnh thì sự khác biệt giữa phía sáng và phía tối càng tăng. Sự khác biệt giữa hai phần sáng tối được tính ra bằng cách so sánh khẩu-độ (hay tốc-độ) đo ở bên sáng và đo ở bên tối. Thí-dụ cùng một tốc-độ, phía sáng chỉ f/16, phía tối chỉ f/8, sự khác biệt là hai nấc khẩu-độ (từ f/8 đến f/11, rồi từ f/11 đến f/16), ta nói rằng tỉ-số tương-phản là 4:1 vì hai nấc khẩu-độ là 4 lần nhiều hoặc ít hơn về lượng sáng (3).
Mắt con người có thể ghi nhận được chi-tiết ở phía sáng cũng như ở phía tối (nếu tương-phản giữa sáng và tối đừng quá đáng) và ta nghĩ rằng phim, giấy ảnh cũng ghi nhận được những chi-tiết ấy như con mắt ta vậy. Thực sự, phim và giấy ảnh có ghi được một tỉ-số tương-phản nào đó nhưng rất giới-hạn, tùy theo loại phim, màu hay đen trắng. Ðối với những loại phim thông-dụng, phim đen trắng ghi nhận được tỉ-số tương-phản khoảng 16:1, trong khi đó phim màu chỉ ghi nhận được tỉ-số tương-phản khoảng 12:1 hay 8:1, quá tỉ-số này hình ảnh thấy không thuận mắt.
Nếu ta đo sáng ở phía sáng và chụp theo điều-kiện đó, phía sáng sẽ trở thành xám (đối với ảnh đen trắng) hoặc "trung-trung" (đối với ảnh màu) và có chi-tiết, phía tối bị đậm hoặc mất nhiều chi-tiết. Nếu đo ở phía tối và chụp theo điều-kiện đó, ta sẽ có kết-quả ngược lại. Ðo cả hai bên sáng tối rồi lấy trung-bình, nhiều khi cũng không hẳn đã là biện-pháp tốt (4).
2. DỊU.
Cường-độ của ánh sáng càng giảm thì ánh sáng càng dịu. Ánh sáng dịu không có bóng đổ hoặc chỉ có bóng đổ thật nhẹ. Sự khác-biệt về tương-phản chỉ chừng nửa nấc khẩu-độ, nhiều khi không đến, khiến cho việc chụp ảnh và công-tác phòng tối dễ dàng hơn.
Tuy nhiên không phải ánh sáng dịu nào cũng được ưa chuộng. Ánh sáng dịu chỉ thích-hợp với một số đề-tài có ý nghĩa nhẹ nhàng, thơ mộng, yên lành... Trong một số đề-tài khác, nếu gặp ánh sáng dịu, ta phải tìm cách làm tăng cường-độ của ánh sáng, sao cho thích-hợp với ý nghĩa của chủ-đề.
F. MÀU SẮC CỦA ÁNH SÁNG
Hàng ngày ta nhìn sự vật dưới ánh sáng trời (sáng, trưa, chiều...) hay ánh sáng đèn (đèn bóng, đèn ống, đèn dầu...) mà không để ý gì đến màu sắc của ánh sáng. Mọi vật dường như xuất-hiện trước mắt ta dưới ánh sáng trắng. Sự thực không như vậy. Phim ảnh, nhất là phim màu, rất nhạy cảm với màu sắc của ánh sáng. Chụp một người mặc áo trắng vào những giờ giấc khác nhau trong ngày hay dưới ánh sáng các loại đèn, ta sẽ ngạc nhiên thấy cái áo trắng đó không hẳn đã là trắng.
Màu sắc của ánh sáng (còn gọi là nhiệt-sắc của ánh sáng), được đo bằng đơn-vị gọi là độ Kelvin, viết tắt là K. William Thomson Kelvin (1824-1907), người Anh, sáng-chế ra phương-pháp đo nhiệt-sắc của ánh sáng, là hạ nhiệt-độ của vật-thể xuống cho đến lúc vật đó không phản chiếu lại ánh sáng nữa, là -273.15 độ C, đó là 0 độ K. Muốn đo nhiệt-sắc của ánh sáng nào, ta nung vật-thể nóng lên, tới khi nào màu sắc của vật-thể cùng màu với ánh sáng muốn đo, ta đo nhiệt-độ của vật-thể, cộng với 273 thì thành độ K. Thí-dụ bóng đèn tungsten nơi cầu thang nhà ta, cần đốt nóng lên đến 2927 độ C để phát ra ánh sáng như ta đã thấy; ta có 2927 + 273 = 3200. Ta nói là ánh sáng đèn tungsten có nhiệt-sắc là 3200 K.
Trong nhiếp-ảnh tài-tử, ánh sáng ngày mà ta gặp hàng ngày, nhiệt-sắc thay đổi tùy theo giờ giấc trong ngày, tùy theo ngày đó nắng nhiều hay ít, trời sáng hay âm-u; ánh sáng đèn, cũng tùy loại, như tungsten, đèn ống (có nhiều loại đèn ống, ánh sáng khác nhau), đèn dầu... hoặc là một sự phối-hợp của nhiều loại ánh sáng mà mắt ta không thể nào phân-biệt được.
Muốn biết chính-xác nhiệt-sắc của ánh sáng để chụp ảnh màu cho có màu sắc đúng, ta cần một quang-kế màu (khá đắt tiền !) để đo những màu chính trong ánh sáng, sau đó quang-kế cho biết phải dùng những loại kính lọc nào. Kính lọc này là kính lọc chỉnh màu (color correction filters, C.C. filters), một bộ khoảng trên dưới ba chục miếng.
Trong nhiếp-ảnh tài-tử, thực ra chúng ta không cần đến quang-kế màu cùng kính lọc đắt tiền, rườm rà như vậy. Có một số yếu-tố thực-tế chúng ta nên biết về việc chụp phim ảnh màu như sau :
- Chụp dưới ánh sáng ngày hay chụp bằng flash điện-tử nên dùng phim chế-tạo để chụp với ánh sáng ngày (daylight film). Chụp dưới ánh sáng đèn tungsten 3200K hay 3400K, dùng phim chế-tạo cho hai loại ánh sáng đó.
- Nếu được, nên tránh dùng phim chế-tạo cho loại ánh sáng này để chụp dưới loại ánh sáng kia, mặc dù ta có kính lọc để hoán chuyển. Lý do là người ảnh tài-tử chúng ta không thể nào có đủ phương-tiện và tài-chính để kiểm-soát màu sắc cho thật trung-thực.
- Ánh sáng ngày trong khoảng thời-gian "3 giờ sau khi mặt trời mọc và 3 giờ trước khi mặt trời lặn" là ánh sáng tương-đối "trắng". Trước khi mặt trời mọc ánh sáng có áp-sắc xanh, mặt trời mới mọc và mặt trời chiều ánh sáng có áp-sắc vàng cam.
- Chụp ở ánh sáng chiều, ta có thể dùng kính lọc để chỉnh cho màu sắc trở thành tương-đối "đúng" hay gần đúng. Ta cũng có thể không cần dùng kính lọc, để màu sắc được tự nhiên. Trái lại, có khi chụp bóng đen trên nền trời chiều, ta còn nên dùng kính lọc màu cam hay đỏ để "nhuộm" cả bầu trời để tăng phần thê-lương.
- Chụp ảnh màu cho có màu sắc đúng, chưa nhất-thiết đã là đúng; chụp cho sai màu đi, chưa nhất-thiết đã là sai. Ý-thức sử-dụng ánh sáng của người ảnh sẽ quyết-định ánh sáng nào là ánh sáng đúng.
- Có những loại phim ghi nhận màu-sắc-hay-ánh-sáng-này tốt hơn màu-sắc-hay-ánh-sáng-khác. Thí-dụ phim màu Reala của Fuji ghi nhận màu sắc dưới ánh sáng đèn ống không đến nỗi lạc màu nhiều, dù không dùng kính lọc.
- Khi phóng ảnh màu, ta có thể sửa chữa được phần nào màu sắc, nhưng không thể nào sửa cho màu sai quá nhiều thành "đúng". Xin ghi nhớ là nếu ta sửa được màu này thì ít ra cũng có hai màu khác bị lạc.
- Màu sắc của phim ảnh màu thay đổi tùy theo rất nhiều yếu-tố, mà những yếu-tố chính như : cách chế-tạo, cách lưu-trữ, nhiệt-độ, độ ẩm, nhiệt sắc của ánh sáng lúc chụp, áp-sắc do màu sắc phản chiếu, phim cũ mới, kính lọc v.v... Ðó là về phim. Hoá-chất và giấy ảnh cũng bị ảnh-hưởng bởi các yếu-tố tương-tự như trên.
G. Ý NGHĨA CỦA ÁNH SÁNG
Ánh sáng không phải chỉ có một công-dụng là chiếu sáng chủ-đề hay bối-cảnh để ta chụp ảnh, mặc dù đó là một trong những nhiệm-vụ chính của ánh sáng.
Ánh sáng tạo ý nghĩa.
Ánh sáng âm u của những ngày mưa dầm gió bấc thích-hợp với loại ảnh chụp những người lao-động lam lũ, gánh gồng, cày bừa, co ro, run rẩy... Mưa và lạnh tạo những hình ảnh co ro, cắm cúi... nhưng ánh sáng xám xám nặng như chì tạo ý nghĩa buồn, nản... làm nặng nề thêm cái ý-tưởng nhọc nhằn, chịu đụng của những người kém may mắn.
Ánh sáng ấm áp nhẹ nhàng của những ngày đầu xuân chan-hòa trên cây, cỏ, hoa, lá... làm bừng lên vẻ sống-động, yêu đời, tạo niềm thương yêu, thơ mộng... Ánh sáng này thích-hợp với loại ảnh chụp những cặp tình nhân đang sống trong hoa mộng, các em thanh-thiếu-nhi sinh-hoạt cộng-đồng, trẻ em đuổi nhau, bắt bướm...
Ánh sáng gay gắt kiểu nắng tháng Năm miền Bắc VN hay cái nắng đổ lửa vùng sa-mạc thích-hợp với loại ảnh chụp những người lao-động gánh vác, đập đá, lợp nhà, sửa máy, thể-thao... mồ hôi nhễ nhại, bóng loáng... Ánh sáng song song tạo nhiều chi-tiết trên manh áo ướt đẫm, trên mặt, trên da... hằn lên từng thớ thịt, từng vết nhăn, từng giọt mồ hôi... Nắng mạnh tạo tương-phản, tăng vẻ nhọc nhằn, tàn-nhẫn, chịu đựng...
Ánh sáng nóng hừng hừng đỏ tạo vẻ ghê sợ kinh-hoàng như những cảnh trong phim của Indiana Jones... hay cũng tạo vẻ gợi tình, dâm ô của những thiếu-nữ thân hình bốc lửa...
Ánh sáng xanh lục nhẹ nhàng... thích-hợp với loại ảnh phong-cảnh chụp dưới tàn cây, xanh mát, thoải mái, êm đềm...
Ánh sáng yếu ớt, leo lét của ngọn đèn dầu trong căn nhà tranh soi sáng khuôn mặt chịu đựng đến độ bình-thản của bà mẹ đang khâu khâu, vá vá bên cạnh đứa con thiêm thiếp ngủ. Ánh sáng chỉ soi sáng phần nào khuôn mặt người mẹ, người con, nhưng chính cái chút ánh sáng leo lắt đó mới gợi trong chúng ta cái ý-tưởng chua xót cho hoàn-cảnh cô-quạnh của người cô-phụ...
Ý nghĩa của ánh sáng còn nhiều... có thể coi như miên man bất tận, mỗi người ảnh, tùy trường-hợp, tùy hoàn-cảnh... tận-dụng khả-năng và trí tưởng-tượng, khai-thác, áp-dụng ý nghĩa vào từng trường-hợp, tạo "hồn" cho ảnh.
H. CÔNG-DỤNG CỦA ÁNH SÁNG
Trong lãnh-vực nhiếp-ảnh, ánh sáng trình bày cho ta thấy cảnh vật. Có nhìn thấy cảnh vật ta mới thưởng-thức được cái đẹp, cả nội-dung lẫn hình-thức, mới khơi động được tình-cảm trong lòng, khiến ta có ý-tưởng ghi lại hình ảnh đó.
Ánh sáng có ba công-dụng :
Công-dụng thứ nhất là soi sáng cho ta thấy hình-thể, khối-lượng, vân thể và màu sắc của chủ-đề. Có thấy hình-thể ta mới thấy đường nét, có thấy khối-lượng ta mới tạo được hình ảnh ba chiều, có thấy vân thể ta mới tạo được chi-tiết cho ảnh, có thấy màu sắc ta mới ghi lại được màu sắc hay sắc-độ đen trắng...
Công-dụng thứ hai là trình bày khoảng không-gian lân-cận với chủ-đề. Thành-phần lân-cận với chủ-đề là tiền-cảnh hay hậu-cảnh, gọi chung là bối-cảnh. Ánh sáng tạo ra sự gần gũi hay cách biệt giữa chủ-đề với bối-cảnh, sự liên-hệ đó có thể là liên-hệ vật-chất hay liên-hệ nội-dung. Sự liên-hệ đó cũng tạo kích thước thứ ba, tạo hình-thể "nổi". Và bối-cảnh, dù là bối-cảnh đồng loại, trung-tính hay bối-cảnh tương-phản cũng giúp làm tăng ý nghĩa cho chủ-đề.
Công-dụng thứ ba và cũng là công-dụng quan-trọng, là ánh sáng tạo hồn cho tấm ảnh. Ánh sáng phải hợp với ý nghĩa của chủ-đề. Ánh sáng chan hòa và nhẹ tạo ý-tưởng dịu dàng, thơ mộng, yên lành... thích hợp với những loại chủ-đề như chân-dung thiếu-nữ, trẻ em..., với những loại đề-tài như mẹ ôm con, đôi nhân tình, cảnh trí miền quê, bờ hồ... Ánh sáng gắt tạo ý tưởng trang nghiêm, sát phạt, tàn nhẫn... như chân-dung của những nhân-vật có nét cá tính mạnh, những cảnh hay hoạt-cảnh có tính-cách xã-hội, một số tĩnh-vật...
GHI-CHÚ:
1. Xem bài "Chụp ảnh dưới ánh sáng hồng-ngoại" của cùng tác-giả.
2. Ðọc là Fre-nel (không phát âm chữ S).
3. Xem bài "Khẩu-độ và tốc-độ" của cùng tác-giả.
4. Vì vậy mà Ansel Adams và Fred Archer đã tìm tòi rồi phát-kiến ra Zone System. Xem bài "Zone System" của cùng tác-giả.
Lê Ngọc Minh (VNUSPA)